Sony: không bán cảm biến camera nữa mà chuyển sang thu phí định kỳ với người dùng smartphone , Quyết định khó tin nhất lịch sử
Ngày nay, hình thức đăng ký trả phí định kỳ (theo tháng, năm) để sử dụng dịch vụ đã trở nên cực kỳ phổ biến trong nhiều lĩnh vực, từ giải trí cho đến cả công nghệ. Nếu là 1 người đã và đang đầu tư cho nhà thông minh (smarthome), đặc biệt là với hệ thống camera, có lẽ bạn sẽ không còn xa lạ với hình thức này. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, dường như các công ty lớn lại xem nó như một chiến lược kinh doanh mới của mình và áp dụng cho hàng loạt công cụ, dịch vụ mà họ cung cấp để kinh doanh.
Sony là cái tên mới nhất của làng công nghệ gia nhập trào lưu trên. Theo Reuters cho biết, bên cạnh việc kinh doanh các thiết bị điện tử vốn đã gắn liền với tên tuổi của hãng như TV hay máy chơi game PlayStation, Sony còn chuẩn bị ra mắt cả dịch vụ trả phí dành cho mặt hàng cảm biến hình ảnh. “Cái quái gì thế? Ai mà thèm quan tâm đến mấy cái cảm biến đó chứ?” – đây có lẽ là suy nghĩ của rất nhiều người trước thông tin khá bất ngờ này.
Vào tháng trước, Sony đã công bố 2 loại cảm biến hình ảnh mới được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI). Họ cho biết chúng sẽ giúp người dùng sở hữu những cụm camera AI nhanh hơn, nhạy hơn, riêng tư hơn và quan trọng nhất là rẻ hơn, bởi quá trình xử lý dữ liệu trên đám mây đã bị loại bỏ hoàn toàn. Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ bạn vẫn cần 1 loại hệ thống chuyên biệt để phân tích những dữ liệu đó.
Và đây chính là cơ sở để Sony tung ra chiến lược mới của mình: Họ sẽ bán dịch vụ đăng ký phần mềm, hoặc thu tiền bản quyền cảm biến, qua đó tạo ra một kênh doanh thu hoàn toàn mới. Nói tóm lại, người dùng sẽ phải đóng tiền để thuê phần mềm này, lấy chỗ xử lý hình ảnh mà họ quay/chụp được bằng cảm biến của Sony.
Trong 1 cuộc phỏng vấn với Reuters, giám đốc Hideki Somemiya cho biết nước đi của Sony sẽ giúp mở rộng quy mô thị trường cảm biến hơn nữa về mặt giá trị. Điều này đồng nghĩa với việc Sony đang nhìn nhận nguồn tiền thu được từ các dịch vụ trả phí định kỳ sẽ ổn định hơn so với việc “bảy nổi ba chìm” với doanh thu bán phần cứng, thiết bị.
Công bằng mà nói, có lẽ sẽ phải mất một thời gian rất dài nữa, dịch vụ trả phí mới của Sony mới có thể đi vào hoạt động ổn định, đủ sức hút để người tiêu dùng phải mở hầu bao. Nhóm đối tượng đầu tiên mà gã khổng lồ ngành điện tử này hướng đến nhiều khả năng sẽ là các công ty, tập đoàn lớn, thông qua những loại thiết bị ghi hình như camera an ninh và nhiều ứng dụng công nghiệp khác. Ví dụ mà Hideki đưa ra chính là việc những đoạn video giám sát này sau đó sẽ được xử lý bằng phần mềm của Sony để đảm bảo đội ngũ nhân viên luôn đeo khẩu trang và các đồ dùng cần thiết khi đi làm văn phòng giữa mùa dịch. Nếu thành công, loại hình dịch vụ này sẽ được áp dụng cho cả smartphone, tablet hay bất cứ thiết bị nào có camera.
Sony có thể áp dụng hình thức trả phí định kỳ lên cả những thiết bị quen thuộc như smartphone, tablet hay máy ảnh.
Sony cũng không phải thương hiệu duy nhất theo đuổi chiến lược kinh doanh mới này. Tháng 10/2019, Sonos đã âm thầm ra mắt dịch vụ trả phí định kỳ Flex tại Hà Lan, cho phép một số hộ gia đình thuê hệ thống loa đắt đỏ của hãng. Hồi tháng 5 năm nay, nhà sản xuất hub cho smarthome Wink cũng đột ngột thông báo với khách hàng họ sẽ chuyển sang hình thức trả phí định kỳ bắt buộc, 5 USD/tháng, và đương nhiên là bị “ném đá” không thương tiếc. Vài tuần sau đó, ứng dụng đạp xe Strava cũng bắt đầu tính phí một số tính năng của mình sau khi bắt đầu trở nên nổi tiếng.
Nói đâu xa, ngay cả Apple vốn phụ thuộc vào doanh thu phần cứng cũng đã bắt đầu lấn sân sang mảng dịch vụ trả phí. Đó là lý do vì sao họ đã tổ chức hẳn 1 sự kiện hồi tháng 3 vừa qua chỉ để giới thiệu 1 loạt dịch vụ mới áp dụng hình thức này (Apple News+, Apple Card, Apple Arcade, Apple TV+,…). Microsoft thì lại sở hữu gói All Access cho hệ máy console Xbox và các dòng sản phẩm Surface. Google không đứng ngoài cuộc chơi với Stadia Pro, YouTube Music và Google Play Pass. Walmart cũng đang rục rịch triển khai kế hoạch về 1 dịch vụ trả phí định kỳ nhằm cạnh tranh với Amazon Prime.
Các thương hiệu lớn cứ liên tục tung ra những gói đăng ký hấp dẫn cho loạt sản phẩm của mình, với mức giá tương đối dễ chịu. Nhưng điều này chỉ đúng trong trường hợp bạn sử dụng rất ít dịch vụ của họ. Hãy thử tưởng tượng nếu như tất cả các thiết bị, dịch vụ đều áp dụng hình thức này, thì số tiền mỗi tháng bạn phải chi ra sẽ khủng khiếp đến mức độ nào. Nhưng đáng buồn thay, đây lại chính là xu hướng kinh doanh mới và nó sẽ còn tiếp tục lên ngôi trong thời gian tới, khi mà doanh thu phần cứng đã không còn đủ sức để làm hài lòng các ông lớn nữa.